ĐS Đài Loan: Hiện đại hóa đường khổ hẹp 1067mm

Thứ hai, 19/08/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù có ĐS cao tốc, Đài Loan vẫn liên tục đầu tư cải tạo, hiện đại hóa ĐS khổ 1067mm hiện có. Vận lượng tăng, thu nhập tăng, sinh lời nhờ tận thu ngoài vận tải.
Mặc dù có ĐS cao tốc, Đài Loan vẫn liên tục đầu tư cải tạo, hiện đại hóa ĐS khổ 1067mm hiện có. Vận lượng tăng, thu nhập tăng, sinh lời nhờ tận thu ngoài vận tải.

Hình thành một vành đai xung quanh quốc đảo, nối liền những thành phố lớn và khu tập trung quan trọng, mạng đường khổ 1067mm, dài 1.087 km này là một mạng ĐS tương đối cũ, nhưng đang được tăng cường đầu tư cải tạo và xây dựng mới hạ tầng. Nhiều tuyến đã được điện khí hóa và làm đường đôi, nhưng phần lớn đường khu vực Đông - Nam còn là tuyến đơn chưa được điện khí hóa.

Cùng với các tuyến chính bờ biển phía Đông, bờ biển phía Tây và tuyến nối phía Nam hoàn thành xây dựng trong những năm 1990, Cục ĐS Đài Loan (TRA) còn khai thác 6 đường nhánh, trong đó có hai đường mới mở khai thác năm 2011.

Sau 4 năm thực hiện, năm 2012, đã hoàn thành dự án “Nâng cao an toàn hệ thống ĐS vòng quanh quốc đảo”, với chi phí 14,9 tỷ NT. Cùng với dự án đó là cải tạo hệ thống thông tin, tín hiệu và cung cấp điện năng. Chương trình nâng cấp tổng hợp này còn bao gồm cả việc cải tạo và gia cố cầu, hầm, đường trên cao và cải tạo 7 hầm trêm tuyến Jili bị hư hỏng do động đất, xây dựng ga mới Shanjia.

TRA đã nâng cao tính năng sử dụng và phương tiện phục vụ hành khách ở 224 ga, sử dụng wi-fi miễn phí ở 173 ga và nâng cấp nhà vệ sinh ở 80 ga. Cầu thang cuốn được đặt ở 37 ga lớn và một đường dây đặc biệt dành riêng cho việc đặt chỗ cho xe lăn trên tàu. Bán vé điện tử đã được sử dụng trên toàn mạng với trang bị máy tính ở 175 ga và máy bán vé ở 140 ga.

Một khoản đầu tư khác đã được sử dụng để hiện đại hóa và cải tạo các đề-pô và xưởng đầu máy toa xe. Tháng 1/2013, TRA đã khai trương giai đoạn đầu xưởng máy ở Đài Bắc (thay thế cho xưởng máy xây dựng từ 1935), rộng 52 ha ở Fugang, chi phí 13,3 tỷ NT, trong số các phương tiện hiện đại có hệ thống kích có thể nâng cả đoàn tàu 8 toa để bảo dưỡng.

Số hành khách đi tàu tăng lên không ngừng, tính đến tháng 5/2013, đã có 19 triệu lượt hành khách, đạt 853,3 triệu hành khách.km, bình quân một lượt đi là 44,9 km. Để tăng năng lực, TRA đã đầu tư cho đầu máy toa xe mới, giảm tuổi thọ trung bình của các đoàn tàu.

Để đổi mới các đoàn tàu đường dài, TRA đã đặt mua 184 toa EMU thùng nghiêng có thể chạy với tốc độ 150 km/h, 6 ram tàu loại 8 toa đầu tiên đã được Marubeni và Hitachi cung cấp năm 2007. Một đợt đặt hàng khác đã được ký với Sumitomo và Nippon Sharyo, tháng 1/2011, cung cấp 17 ram tàu loại 8 toa, thùng nhôm, việc bàn giao đã bắt đầu từ cuối năm 2012.

Năm 2012, TRA thu nhập 16,1 tỷ NT từ hành khách, ít hơn thu nhập từ hàng hóa 1 tỷ NT và thu được 4,5 tỷ từ các nguồn khác. Tuy vậy, tổng thu 23,5 tỷ NT vẫn thấp hơn số chi nên ĐS vẫn lỗ hàng năm khoảng 10 tỷ NT. Khoảng 80% số lỗ này là do trợ cấp hưu cho nhân viên và các khoản phải trả khác.

Tuy bị lỗ nhưng TRA không tăng giá vé vì cho rằng thu nhập về hành khách đã đạt con số trước khi có ĐS cao tốc. Điều đó trái với ĐS cao tốc vì gần đây Công ty ĐS cao tốc đã đề nghị được tăng giá vé từ 3,6 NT lên 4,0 NT trên 1 km và Cục Hàng không Dân dụng cũng đề nghị tăng giá vé trong khoảng 6% và 35%.

Một số nguồn thu khác là bán các hộp cơm trưa mà gần đây hành khách yêu cầu rất lớn, mang lại cho hành khách rất nhiều sự lựa chọn để có một bữa ăn chất lượng cao và bổ dưỡng. Năm 2011, TRA đã thu được 380 triệu NT từ việc bán 5,7 triệu hộp cơm trưa.

Thu nhập ngoài vận tải đã tăng lên nhiều khi TRA nâng cao lợi nhuận bằng tận thu từ tài sản cố định. ĐS đã tham gia vào một loạt hợp đồng khai thác hơn 44.000 lô đất thuộc sở hữu ĐS, tổng cộng 5.307 ha, trị giá 628,9 tỷ NT.

TRA còn thu nhập được nhiều khoản lớn thông qua việc tham gia vào các dự án cải tạo đô thị khu vực xung quanh các ga, phát triển kế hoạch “Phát triển Ba chiều”, chuyển tuyến đường thành đường ngầm hoặc đưa lên cao (như đã làm ở hai ga Đài Bắc và Cao Hùng) giải phóng mặt đất cho phát triển kinh tế.

Du lịch cũng là một nguồn thu tiềm năng, đầu năm 2013, TRA đã ký hợp với công ty quốc doanh Forestry Bureau để hỗ trợ khai thác ĐS leo núi Alishan, nguyên thủy là một tuyến đóng kín, nay trở thành một khu du lịch hấp dẫn của quốc đảo. Năm 2010, tuyến đường bị hư hỏng do bão và hợp đồng cũng thay đổi. Việc sửa chữa sẽ hoàn thành năm 2014 và TRA sẽ sở hữu tuyến đường vào năm 2016.


Theo ĐSVN, Tạp chí ĐSTG – 8.2013)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)